Thứ Ba, 20/11/2012 20:48
Nhu cầu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tăng cao nên sinh viên theo học nghề này dễ tìm kiếm việc làm
“Có lần từ TPHCM lên Đà Lạt, xe đang bon bon trên đường bỗng chao đảo khiến mọi người hốt hoảng. Hóa ra là lốp xe bị thủng. Tài xế dừng lại ở chân đèo Bảo Lộc - Lâm Đồng. Lúc đó đã nửa đêm, ai nấy đều lo lắng. Tôi vội vàng gọi điện thoại đến một công ty cho thuê xe du lịch xin “ứng cứu”. Trong thời gian chờ đợi, tôi kể chuyện vui, tổ chức trò chơi để khách bớt căng thẳng. Chưa đầy 30 phút sau, đã có xe đến đón, mọi người thở phào nhẹ nhõm”. Anh Nguyễn Tiến Đạt kể về một chuyến đi của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Ánh Dương mà anh được chọn làm hướng dẫn viên du lịch (HDVDL).
Trách nhiệm cao, nhiều áp lực
Nguyễn Tiến Đạt, 24 tuổi, HDVDL của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Ánh Dương, cho biết xe đi tour thỉnh thoảng vẫn xảy ra trục trặc và HDVDL phải nhanh trí xử lý sự cố. Trong những chuyến du lịch, du khách thường gặp tai nạn như sặc nước, chuột rút khi tắm biển; hoặc gãy tay, trật cổ chân khi leo núi. Khi du khách gặp nạn, HDVDL vừa sơ cứu vừa phải trấn an tinh thần những người còn lại trong đoàn. “Người hướng dẫn là linh hồn của cả chuyến đi nên luôn phải xử lý tốt mọi sự việc, không để sự cố làm ảnh hưởng tới du khách” - Đạt bộc bạch.
Anh Nguyễn Hữu Trường thuyết minh về địa điểm du lịch mà đoàn chuẩn bị ghé thăm cho khách trong tour TPHCM - Nha Trang của Công ty TNHH Tiêu Điểm Mới
Anh Lê Phước Trí, 32 tuổi (quận 10 - TPHCM), có kinh nghiệm 15 năm làm nghề HDVDL, kể lại năm 2008, trong một lần đi tour ở Tây Ninh, một du khách đột ngột lên cơn đau tim và qua đời. Sau khi sự việc xảy ra, anh nhanh chóng liên hệ với gia đình và thuê xe đưa thi thể người khách không may mắn về; đồng thời thuyết phục những người còn lại bình tĩnh, tiếp tục cuộc hành trình. Kể lại câu chuyện trên, anh Trí nhận xét: “Công việc của HDVDL gặp rất nhiều áp lực và đòi hỏi trách nhiệm cao. Trong mọi tình huống, HDVDL luôn phải là người bình tĩnh nhất, dù tinh thần có hoang mang tới đâu thì vẫn không được bộc lộ ra ngoài”.
Thu nhập khá
Vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Nguyễn Hữu Trường chọn làm cộng tác viên (CTV) của nhiều công ty du lịch. “Công tác tại một doanh nghiệp (DN) tuy thu nhập ổn định nhưng HDV chỉ được dẫn khách đi một vài tour trong tháng, thời gian làm việc cũng bị phụ thuộc. Còn làm CTV, mình có thể hướng dẫn khách ở nhiều địa điểm khác nhau, công việc sẽ đỡ nhàm chán” - Trường tâm sự. Tuy không có lương cố định nhưng mức thù lao các DN du lịch trả cho Trường hiện nay từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày; tháng nào đi tour nhiều cũng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng của khách.
Đến nay, chị Thanh Mỹ, 40 tuổi, quê ở Long An, đã làm nghề HDVDL được 19 năm. Chị phân tích: “Làm HDVDL tự do, tôi có cơ hội lựa chọn những tour mình thích và có việc làm đều đặn hơn”. Chị Mỹ còn khẳng định nếu làm việc có trách nhiệm thì HDVDL tự do sẽ được nhiều DN mời hợp tác ở những chương trình lớn, thu nhập sẽ cao.
Bà Huỳnh Thị Bé, Giám đốc Công ty TNHH Tiêu Điểm Mới, nhận định: Hầu hết các công ty du lịch đều có xu hướng xây dựng đội ngũ CTV làm việc lâu dài, đặc biệt là lực lượng HDV trẻ. Hiện nay, mức lương theo tour mà các DN trả cho CTV mới ra trường ở tour nội địa là từ 200.000 đồng đến 450.000 đồng/ngày. “Do nhu cầu HDVDL của các DN tăng cao nên sinh viên theo học ngành này dễ kiếm việc làm. Nhiều sinh viên khởi nghiệp làm HDV tự do, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, giỏi đi tour thường được các DN săn đón, thu nhập cao, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp về sau” - bà Bé cho biết.
Thiếu HDVDL giỏi chuyên môn
“Để trở thành chuyên nghiệp, HDVDL cần có kỹ năng giao tiếp, diễn đạt tốt, biết hoạt náo, quản trò. Ngoài ra, HDVDL phải có được kiến thức bao quát về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của Việt Nam cũng như các nước. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các DN đều thiếu hụt lực lượng HDVDL, nhất là những người có chuyên môn giỏi, hành nghề chuyên nghiệp” - bà Võ Thị Cẩm Nhung, giảng viên Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, nhìn nhận.
Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Nhu cầu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tăng cao nên sinh viên theo học nghề này dễ tìm kiếm việc làm
“Có lần từ TPHCM lên Đà Lạt, xe đang bon bon trên đường bỗng chao đảo khiến mọi người hốt hoảng. Hóa ra là lốp xe bị thủng. Tài xế dừng lại ở chân đèo Bảo Lộc - Lâm Đồng. Lúc đó đã nửa đêm, ai nấy đều lo lắng. Tôi vội vàng gọi điện thoại đến một công ty cho thuê xe du lịch xin “ứng cứu”. Trong thời gian chờ đợi, tôi kể chuyện vui, tổ chức trò chơi để khách bớt căng thẳng. Chưa đầy 30 phút sau, đã có xe đến đón, mọi người thở phào nhẹ nhõm”. Anh Nguyễn Tiến Đạt kể về một chuyến đi của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Ánh Dương mà anh được chọn làm hướng dẫn viên du lịch (HDVDL).
Trách nhiệm cao, nhiều áp lực
Nguyễn Tiến Đạt, 24 tuổi, HDVDL của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch Ánh Dương, cho biết xe đi tour thỉnh thoảng vẫn xảy ra trục trặc và HDVDL phải nhanh trí xử lý sự cố. Trong những chuyến du lịch, du khách thường gặp tai nạn như sặc nước, chuột rút khi tắm biển; hoặc gãy tay, trật cổ chân khi leo núi. Khi du khách gặp nạn, HDVDL vừa sơ cứu vừa phải trấn an tinh thần những người còn lại trong đoàn. “Người hướng dẫn là linh hồn của cả chuyến đi nên luôn phải xử lý tốt mọi sự việc, không để sự cố làm ảnh hưởng tới du khách” - Đạt bộc bạch.
Anh Nguyễn Hữu Trường thuyết minh về địa điểm du lịch mà đoàn chuẩn bị ghé thăm cho khách trong tour TPHCM - Nha Trang của Công ty TNHH Tiêu Điểm Mới
Anh Lê Phước Trí, 32 tuổi (quận 10 - TPHCM), có kinh nghiệm 15 năm làm nghề HDVDL, kể lại năm 2008, trong một lần đi tour ở Tây Ninh, một du khách đột ngột lên cơn đau tim và qua đời. Sau khi sự việc xảy ra, anh nhanh chóng liên hệ với gia đình và thuê xe đưa thi thể người khách không may mắn về; đồng thời thuyết phục những người còn lại bình tĩnh, tiếp tục cuộc hành trình. Kể lại câu chuyện trên, anh Trí nhận xét: “Công việc của HDVDL gặp rất nhiều áp lực và đòi hỏi trách nhiệm cao. Trong mọi tình huống, HDVDL luôn phải là người bình tĩnh nhất, dù tinh thần có hoang mang tới đâu thì vẫn không được bộc lộ ra ngoài”.
Thu nhập khá
Vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Nguyễn Hữu Trường chọn làm cộng tác viên (CTV) của nhiều công ty du lịch. “Công tác tại một doanh nghiệp (DN) tuy thu nhập ổn định nhưng HDV chỉ được dẫn khách đi một vài tour trong tháng, thời gian làm việc cũng bị phụ thuộc. Còn làm CTV, mình có thể hướng dẫn khách ở nhiều địa điểm khác nhau, công việc sẽ đỡ nhàm chán” - Trường tâm sự. Tuy không có lương cố định nhưng mức thù lao các DN du lịch trả cho Trường hiện nay từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày; tháng nào đi tour nhiều cũng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng của khách.
Đến nay, chị Thanh Mỹ, 40 tuổi, quê ở Long An, đã làm nghề HDVDL được 19 năm. Chị phân tích: “Làm HDVDL tự do, tôi có cơ hội lựa chọn những tour mình thích và có việc làm đều đặn hơn”. Chị Mỹ còn khẳng định nếu làm việc có trách nhiệm thì HDVDL tự do sẽ được nhiều DN mời hợp tác ở những chương trình lớn, thu nhập sẽ cao.
Bà Huỳnh Thị Bé, Giám đốc Công ty TNHH Tiêu Điểm Mới, nhận định: Hầu hết các công ty du lịch đều có xu hướng xây dựng đội ngũ CTV làm việc lâu dài, đặc biệt là lực lượng HDV trẻ. Hiện nay, mức lương theo tour mà các DN trả cho CTV mới ra trường ở tour nội địa là từ 200.000 đồng đến 450.000 đồng/ngày. “Do nhu cầu HDVDL của các DN tăng cao nên sinh viên theo học ngành này dễ kiếm việc làm. Nhiều sinh viên khởi nghiệp làm HDV tự do, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, giỏi đi tour thường được các DN săn đón, thu nhập cao, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp về sau” - bà Bé cho biết.
Thiếu HDVDL giỏi chuyên môn
“Để trở thành chuyên nghiệp, HDVDL cần có kỹ năng giao tiếp, diễn đạt tốt, biết hoạt náo, quản trò. Ngoài ra, HDVDL phải có được kiến thức bao quát về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của Việt Nam cũng như các nước. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các DN đều thiếu hụt lực lượng HDVDL, nhất là những người có chuyên môn giỏi, hành nghề chuyên nghiệp” - bà Võ Thị Cẩm Nhung, giảng viên Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, nhìn nhận.
Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Theo báo người lao động