(Toquoc)-Đã quyết định theo nghề hướng dẫn viên du lịch (HDV) tức là phải cam tâm tình nguyện chấp nhận việc xa nhà quanh năm ngày tháng, chấp nhận chuyện “thiên hạ đi chơi thì mình làm việc”, nhưng phải xa nhà vào đúng ngày Tết đoàn viên vẫn là điều khó làm quen nhất với các ‘tour guide’ vốn nổi tiếng năng động, mạnh mẽ và thích dịch chuyển.
Anh Trần Mạnh Hùng - một HDV tự do đã “giải nghệ” cách đây 3 năm theo yêu cầu của vợ có tới gần 10 năm trời dẫn tour outbound các tuyến từ Hà Nội đến Ma Cao, Hồng Kông, Trung Quốc.
Năm đầu tiên ăn Tết tại Hồng Kông, cảm giác của anh chàng ‘tour guide’ độc thân lúc ấy là sự hào hứng, hồ hởi: “Đã dẫn khách đi Hồng Kông nhiều lần nên mình không còn lạ lẫm nữa. Như là ở Hà Nội mà vào Sài Gòn ăn Tết thôi. Người Hồng Kông chuẩn bị cho Tết cổ truyền rất chu đáo, trang trí nhà cửa, đường phố lộng lẫy làm mình thích thú mà quên hẳn chuyện đang xa nhà. Bố mẹ thì cứ căn đúng giờ mình có mặt ở khách sạn để gọi điện sang hỏi thăm, bảo Tết bên này trống vắng hẳn vì thiếu mình. Còn mình thì ham vui. Đêm giao thừa, mình dẫn khách đi xem bắn pháo hoa, rồi đi chùa, mừng tuổi, không khác gì ở nhà. Tuy nhiên, những năm sau thì không còn vui nữa. Càng nhiều tuổi, mình càng khao khát được ở bên người thân”.
Phải xa nhà vào dịp Tết để dẫn khách đi du lịch vẫn là điều khó làm quen nhất đối với các HDV du lịch (Ảnh: Ngọc Thành)
Anh Hùng giải thích: Mọi người vẫn nghĩ nghề HDV là nghề được đi nhiều nơi, lại hoàn toàn miễn phí, vừa làm vừa chơi… nhưng thực tế thì không phải vậy. Mỗi HDV thường chỉ đảm nhận một tuyến điểm nhất định. Những lần đầu dẫn khách, bản thân mình còn có nhu cầu khám phá, tìm hiểu. Nhưng đi nhiều lần rồi thì sẽ xuất hiện cảm giác nhàm chán, chỉ đơn thuần là điều hành tour, phục vụ khách.
“Những năm sau này, bạn bè mình cứ thi nhau lập gia đình, sinh con, ngày nghỉ hay Tết nhất lại hò nhau tụ tập mà mình không bao giờ có mặt được, cảm giác rất tủi thân. Khi lấy vợ rồi thì vì kinh tế, mình vẫn còn cố thêm vài năm nữa chứ lòng yêu nghề lúc ấy bị lấn át hoàn toàn bởi nhu cầu ở bên vợ con, đưa gia đình đi chơi thay vì đưa khách đi chơi” – anh Hùng nói vui.
Anh Đỗ Văn Lễ - Giám đốc một công ty lữ hành online có tiếng lại có một cái Tết xa nhà đầu tiên “buồn đáng nhớ”.
Đoàn khách đầu tiên mà anh Lễ đảm nhận là một cặp vợ chồng người Na Uy có nhu cầu ăn Tết với các cộng đồng dân tộc Việt khác nhau. Để đáp ứng hai vị khách ham khám phá văn hoá bản địa này, anh Lễ phải dẫn khách đến một bản người Tày nằm cách trung tâm Sa Pa 40km đường rừng.
Đêm giao thừa giữa rừng núi mênh mông, lạnh cắt da, không tiếng pháo, không bánh chưng, không lời chúc tụng, chỉ có duy nhất ánh sáng đỏ quạch của đèn dầu, bếp lửa, đèn điện công suất thấp và tiếng máy nổ chạy điện bằng dầu ầm ì, chàng HDV trẻ chỉ chực khóc vì nhớ nhà quá. Đến tận mồng 4 Tết, nhiệm vụ của anh mới hoàn thành nhưng cũng không được về xuôi ngay với gia đình mà phải ‘đóng chốt’ trên Lao Cai suốt 7 tháng trời để đón khách.
Sau này, anh Lễ còn làm HDV 5 năm nữa với nhiều cái Tết xa nhà buồn nhưng may mắn là dẫn đoàn đông người chứ không vắng vẻ đến rơi nước mắt như lần đầu tiên chân ướt chân ráo vào nghề.
“Nhờ những ngày chịu khó, chịu khổ, chịu ăn Tết xa nhà mà mình mới tích luỹ được kinh nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ cho công việc hiện tại” – anh Lễ cho biết. Hiện tại, công ty Waytovietnam của anh đã trở thành địa chỉ uy tín của khách Mỹ, EU và Australia, trong đó không ít nguồn khách được khai thác từ chính những ngày tháng lăn lộn dẫn tour Tết trước đây.
Hầu như HDV du lịch nào cũng từng phải trải qua cảm giác cô đơn, trống trải khi phải đón Tết xa nhà (Ảnh: Ngọc Thành)
Anh Lễ cũng cho biết, làm nghề HDV, mà nhất là HDV out bound thì phụ nữ khó có thể kiên trì với nghề được đôi ba năm. Dù các khoa HDV tại các trường cao đẳng, đại học luôn rất đông sinh viên nữ nhưng khi hành nghề lại chỉ thấy HDV nam. Khi gặp HDV nữ, anh luôn cân nhắc kỹ và có những chế độ quan tâm đặc biệt để hạn chế phần nào những thiệt thòi mà họ phải nhận khi dẫn tour dài ngày, đặc biệt là tour Tết.
Anh Trần Mạnh Hùng thì khẳng định: “Phụ nữ không nên làm nghề này, nhất là khi có gia đình. Người chồng dù thông cảm với vợ khi xa nhà cả năm, cũng khó có thể chấp nhận người vợ vắng nhà cả ngày Tết. Sự hiu quạnh của gia đình trong không khí sum họp, đoàn tụ khắp nơi dễ khiến người chồng nản lòng. Trong giới HDV nữ chỉ có duy nhất một người làm nghề được 30 năm, chuyên dẫn khách Nhật mà gia đình vẫn yên ấm. Một phần vì tính cách của cô ấy đặc biệt vô tư, một phần là có sự hỗ trợ lớn từ ông bà nội ngoại”.
Chị Trần Thanh Huyền – một cộng tác viên của Saigontourist cũng chung quan điểm: “Nếu chồng không muốn mình làm nghề này nữa thì mình phải theo ý kiến của chồng thôi vì mình luôn tâm niệm rằng: nghề thì có nhiều nhưng gia đình thì chỉ có một”.
Tuy nhiên, hiện tại chị Huyền vẫn chưa lập gia đình nên tình yêu nghề và sự hăng say, hưng phấn trước mỗi chuyến tour vẫn còn nồng nhiệt. Tết Tân Mão năm nay cũng sẽ là cái Tết xa nhà đầu tiên của chị với điểm đến là Malaysia.
“Chưa biết cảm giác sẽ như thế nào nếu vắng nhà ngày Tết nhưng hiện tại mình rất chờ đón. Mình còn trẻ và rất muốn thử thách bản thân. Những chuyến đi như thế này sẽ giúp mình năng động hơn, sáng tạo hơn. Phải tổ chức, điều hành tour, làm khách luôn hài lòng và tràn đầy năng lượng trong cuộc hành trình chính là những động lực khiến mình có thể quên đi nỗi buồn xa nhà”.
Chị Huyền thừa nhận, nghề HDV vô cùng vất vả và phức tạp nhưng cũng dễ khiến người ta say mê. “Đã vướng vào rồi khó có thể dứt ra được”. “Tuy nhiên, nếu lập gia đình, mình vẫn sẽ cố làm nghề cho đến khi nào có con nhỏ. Lúc ấy mới đành lòng dứt nghề”, chị chia sẻ.
Hoàng Hồng
theo toquoc