Nhằm hỗ trợ khó khăn cho đội ngũ hướng dẫn viên (HDV), tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ban hành ngày 7/7 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ cho mỗi HDV du lịch là 3,71 triệu đồng/người, theo phương thức chi trả 1 lần.
Để được chi trả số tiền này, theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, các HDV cần có đủ các điều kiện sau: có thẻ HDV được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021, còn hạn sử dụng; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.
HDV du lịch có nhu cầu hỗ trợ cần gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/Sở VH-TT&DL - nơi cấp thẻ cho HDV. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ là hết 31/1/2022.
Tiêu chí khó: “hợp đồng lao động” còn hạn
Như vậy, theo quy định trên, những trường hợp được nhận hỗ trợ phải đảm bảo ít nhất 2 điều kiện: có thẻ HDV còn hạn; có hợp đồng lao động với các DN lữ hành hoặc là hội viên các Chi hội, Hiệp hội HDV. Ngoại trừ quy định “có thẻ HDV” nhiều HDV cho là khả thi, còn hai quy định sau đều khó với cả HDV tự do lẫn HDV có hợp đồng lao động với công ty lữ hành.
Nhiều HDV đã bỏ nghề hơn 1 năm nay, nhiều người chạy Grab, bán hàng, trồng rau nuôi gà,... do du lịch chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 |
Đặc biệt, với các HDV tự do, nguy cơ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ trên là rất lớn. Chẳng hạn, đó là quy định yêu cầu HDV phải có hợp đồng lao động với DN lữ hành còn hiệu lực từ 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trương Anh Thương, một HDV tự do, cho hay, các DN du lịch hiện có hai loại hợp đồng với HDV: hợp đồng dài hạn, có biên chế, có đóng bảo hiểm và hơp đồng ngắn hạn, theo tour.
Với các hợp đồng theo tour, thường chỉ có giá trị 1-10 ngày (kể cả tour suốt tuyến). Khi đi tour về, HDV phải nộp lại hợp đồng lao động đó cùng các chứng từ chỉ cho DN lữ hành để quyết toán.
Đặc biệt, với các HDV inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cuối tháng 3/2020 đã tiễn những vị khách quốc tế cuối cùng rời Việt Nam, văn bản lại yêu cầu hợp đồng còn hiệu từ ngày 1/1/2020, như vậy có thỏa đáng?
Trong khi đó, có đến 90% DN lữ hành ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã ngưng hoạt động. ”Hợp đồng lao động thì có thể xin lại được, nhưng bây giờ rất phiền phức khi các công ty đón khách inbound đang đóng cửa hoặc ngủ đông. Các nhân viên của các công ty đó cũng đã chuyển ngành nghề hết”, Trần Công Trung - một HDV tự do tiếng Ý - nhận xét.
Không chỉ vậy, cách hiểu về điều kiện “có hợp đồng lao động” cũng không rõ ràng. Trên các diễn đàn, nhóm chuyên về HDV, nhiều HDV băn khoăn, đó là hợp đồng lao động dài hạn hay hợp đồng theo tour, là hợp đồng lao động có thời hạn/không xác định thời hạn và phải đóng BHXH?...
Ông Trương Anh Thương dẫn chứng, khi ông nhắn tin hỏi người của công ty du lịch mình từng ký hợp đồng dẫn tour, thì nhận được trả lời rằng “như yêu cầu thì chỉ anh chị em có hợp đồng lao động (doanh nghiệp ký và đóng bảo hiểm), thẻ hội viên của Hiệp hội HDV mới có điều kiện đủ để nhận trợ cấp”.
Tránh hỗ trợ nhầm đối tượng
Theo Cơ sở dữ liệu trực tuyến HDV du lịch (Tổng cục Du lịch), tổng số HDV cả nước (thời điểm trước năm 2020, khi chưa có dịch Covid-19) là khoảng trên 28.000 người. Vấn đề đặt ra là, trong số này, có bao nhiêu HDV được ký hợp đồng dài hạn, có đóng BHXH? Ông Thương ước tính, chỉ khoảng 10% trong số này được ký hợp đồng có biên chế với DN lữ hành, còn lại là các HDV vệ tinh, HDV tự do.
HDV được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người từ gói 26.000 tỷ của Chính phủ, nhưng nhiều người cho rằng các điều kiện để nhận tiền như “đánh đố” |
Phần lớn HDV tự do lại được các công ty du lịch thuê làm cộng tác viên với hợp đồng thời vụ ngắn ngày. Nếu chưa vào Hiệp hội HDV, như thế họ có bị trật ra ngoài đối tượng được hỗ trợ?
Bởi, cũng theo quy định trên, nếu không có hợp đồng lao động thì HDV phải là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch, được thành lập giai đoạn 2018-2019. Song, đây lại là “sân chơi” theo hình thức tự nguyện, không phải tất cả các HDV đều tham gia. Giờ nếu muốn gia nhập hội, liệu có đáp ứng được yêu cầu về thời gian - đây cũng là thắc mắc của rất nhiều HDV.
Tuy nhiên, chính nhiều HDV cũng thừa nhận những quy định được cho là chưa rõ ràng, gây ra nhiều tranh cãi trên, là cần thiết.
Ông Lê Văn Đức, một HDV tự do lâu năm, dẫn chứng, chẳng hạn như quy định về hợp đồng lao động, là cần thiết nhằm mục đích loại bỏ hàng ngàn (có thể nhiều hơn) các “hướng dẫn viên” chỉ có thẻ mà không hành nghề. Đó là những người đã rời bỏ nghề HDV nhưng vẫn giữ thẻ và vẫn đổi thẻ theo định kỳ; là nhân sự văn phòng, điều hành tour, bán tour,... của các công ty du lịch; cán bộ công chức của các Sở ban ngành quản lý du lịch.
Chưa kể, theo ông Đức, họ sẽ tìm cách vào các Hiệp hội để được hỗ trợ, như vậy là không đúng người, dễ chi sai ngân sách.
“Chứ quy định trên không ‘bỏ rơi’ hay ‘gạt ra rìa’ hàng chục ngàn HDV tự do”, ông nhìn nhận.
Đồng quan điểm, HDV Trần Công Trung cho rằng, các quy định trên vừa cần, vừa không cần. Cần là bởi có nhiều người không hành nghề HDV như trên mà vẫn có thẻ, nếu họ được nhận hỗ trợ sẽ là không công bằng với các HDV đi tour thực sự.
Ngược lại, không cần là bởi các HDV đã có tên trên trang web, trên dữ liệu của Tổng cục Du lịch. Các văn phòng du lịch cũng phải khai báo, cập nhật rõ tour đã bán, cả tên HDV và số thẻ nên hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Mới đây nhất, Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch TP.HCM (HTGA) đã có thông báo tới HDV hướng dẫn về các thủ tục nhận được khoản hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Tuy nhiên, tại TP.HCM, do đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên việc chứng thực và tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính tạm thời ngưng hoạt động cho đến khi kết thúc thời gian cách ly theo quy định. |
Ngọc Hà
Nguồn tin: vietnamnet.vn